Các chuyên gia Bất động sản tin rằng, nguy cơ suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của vi rút Corona sẽ không tự động kéo thị trường nhà đất Úc vào một cuộc suy thoái khác và tình trạng bong bóng bất động sản vẫn rất khó xảy ra.
Những cảnh báo được đưa ra khi thị trường tài chính trên toàn thế giới bị ảnh hưởng nặng nề trong những tháng gần đây do sự khủng hoảng về vi rút Corona và giá dầu thô giảm mạnh. Thậm chí vào ngày 20/04/2020 giá dầu thô giao tháng 5 tại Mỹ đã giao dịch ở mức âm, ở mức -37,63 USD/ thùng – một mức thấp kỷ lục chưa từng có.
Diễn biến giá dầu giao tháng 5 ngày 20/04/2020
Các nhà kinh tế học dự đoán rằng, nền kinh tế của các nước có nguy cơ rơi vào suy thoái sâu trong năm nay. Tuy nhiên, những tác động lên thị trường bất động sản vẫn sẽ không rõ ràng.
Các bằng chứng trong quá khứ cho thấy, điều kiện kinh tế suy yếu không phải lúc nào cũng ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản, và mối quan hệ giữa hai yếu tố này rất phức tạp.
Nhà kinh tế học Nerida Conuceree của Real Estate cho biết, một cuộc suy thoái sẽ phải thúc đẩy sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp để gây ra những cú sốc lớn trong thị trường nhà đất.
Kịch bản nhiều khả năng sẽ xảy ra là: một cuộc suy thoái sẽ gây ra sự cảnh giác và làm chậm tăng trưởng giá trị bất động sản, chứ không gây ra sự sụp đổ về giá cả.
Chuyên gia kinh tế thị trường nhà đất Andrew Wilson cũng cho biết, sự giảm rủi ro cho vay từ các ngân hàng có nghĩa là ít người dân Úc thoả mãn được điều kiện cho vay. Điều này sẽ khiến bong bóng nhà đất khó xảy ra.
Việc cắt giảm lãi suất cơ bản gần đây cũng sẽ thúc đẩy nhiều người gia nhập vào thị trường bất động sản để tận dụng dòng tín dụng giá rẻ, ông Wilson phân tích. Cụ thể là Ngân hàng Dự trữ Úc đã bơm vào thị trường một gói kích thích trị giá 90 tỷ đô la ở mức lãi suất chỉ 0,25% phù hợp với tỷ giá đang đi xuống của đồng đô la Úc trên thị trường giao dịch.
Sự thiếu hụt nhà ở tại hầu hết các thành phố lớn, đặc biệt là tại Sydney, cùng với sự gia tăng dân số mạnh mẽ khiến nhu cầu nhà ở ngày càng gia tăng.
“Quy luật cung cầu vẫn là yếu tố thiết yếu thúc đẩy sự tăng giá của thị trường nhà đất.”
Ông Louis Christopher – Giám đốc nghiên cứu SQM cho biết, công ty phân tích thị trường bất động sản của ông đã bám sát các dự đoán trước đó về sự tăng giá nhà tại Sydney trong năm nay, bất kể sự ảnh hưởng tiêu cực của vi rút Corona.
“Không có gì xảy ra để làm cho chúng tôi thay đổi nhận định này, nhưng rủi ro đang tăng lên,” ông Christopher cho biết.
Nếu dịch bệnh Corona bùng phát, chúng ta sẽ thấy nỗi sợ hãi sâu sắc trong cộng đồng và mọi người sẽ không đến để xem nhà hoặc tham gia các buổi đấu giá.
Nhà phân tích thị trường bất động sản Úc, ông Simon Pressley cho biết trong một chuyên mục Bất động sản gần đây, rằng điều kiện thị trường nhà đất vẫn đang ở trạng thái tốt nhất trong một thập kỷ qua.
“Các chuyên gia Bất động sản thấy không có lý do gì để điều chỉnh dự báo thị trường nhà đất trước khi có sự xuất hiện của vi rút Corona,” ông nhận định.
Theo báo cáo cuối tuần trước của Core Logic: 2.220 căn nhà, tương đương 70% được đưa ra đấu giá tại 8 thành phố thủ phủ của Úc. Trong đó, Sydney đứng đầu tỷ lệ bán đấu giá thành công với tỷ lệ 74,6% trong số 749 cuộc được đưa ra. Giá nhà ghi nhận ở mức 1.350.000 đô la.
Melbourne ghi nhận ở mức 70% trong số 1173 cuộc được đưa ra. Các cuộc đấu giá thành công nhất diễn ra ở vùng bờ biển phía Bắc (84%), vùng Blacktown ở phía Tây tiểu bang New South Wales (83,3%), và vùng Ryde ở phía Tây Bắc Sydney (81,8%).
Mặc dù tỷ lệ bán đấu giá nhà thành công đã giảm, nhưng tỷ lệ được ghi nhận tại các trung tâm đấu giá lớn vẫn có khả năng duy trì ở mức cao từ 60% đến 70%, cho thấy đây vẫn là thị trường thuận lợi cho người bán nhà.
Nhà kinh tế học của Westpac, ông Bills Evans gần đây đã nhận xét rằng, một cuộc suy thoái sẽ diễn ra trong năm nay do tác động tiêu cực của virus Corona.
Ông dự báo nền kinh tế Úc sẽ suy giảm 0,3% trong quý 2, nếu tình hình dịch bệnh không có dấu hiệu được kiểm soát.
Tuy nhiên, ông lạc quan rằng vi rút Corona sẽ nhanh chóng được khống chế và nền kinh tế sẽ phục hồi trong quý 3 và quý 4, lần lượt tăng là 1,4% và 0,8%, giúp cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 ở mức 1,6%.
Gói cứu trợ thứ nhất của Úc bao gồm 17,6 tỷ USD tiền mặt mặt và 105 tỷ USD vốn vay ưu đãi. Trong đó khoảng ¼ dân số Australia sẽ được phát 750 USD. Như vậy nếu tính cả gói cứu trợ thứ 2 trị giá 66 tỷ được tung ra hôm 17/4, Úc đã chi tới 189 tỷ USD, tương đương 9,7% GDP để cứu nền kinh tế.
Gói cứu trợ thứ 2 này đã bắt đầu được thực hiện từ ngày 31/3 và sẽ được bù trừ tự động qua hệ thống thuế cho 6,5 triệu người. Như vậy trong gói cứu trợ này, chính phủ đã chi tới 25,2 tỷ USD cho 720.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua hệ thống thuế để giúp họ có tiền thanh toán lương cho nhân viên.
Bên cạnh đó, chính phủ Úc cũng đang lên kế hoạch trợ giúp những người thất nghiệp nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi khó khăn do dịch Covid-19.
Theo Thủ tướng Morrison, gói cứu trợ 17,6 tỷ USD phát tiền mặt đầu tiên sẽ thúc đẩy 1,2% GDP cho nền kinh tế và ông mong chờ tác dụng từ gói cứu trợ thứ 2.
Ngoài các chính sách ưu đãi do doanh nghiệp, chính phủ cũng xây dựng quỹ 1 tỷ USD để thúc đẩy ngành du lịch trở lại sau đại dịch. Thêm nữa, chế độ xem xét trợ cấp hưu trí và cựu chiến binh cũng được hạ tiêu chuẩn để nhiều người được hưởng lợi hơn.
Le-Kosari International tổng hợp