Tin tức

MELBOURNE, COVID-19 VÀ GIÁO DỤC

2020 và 2021 có lẽ là hai năm thật khó quên trong lòng nhiều người. Đối với người dân Melbourne, tiểu bang Victoria, Úc, nó lại là một kỷ lục.

Vài năm trở về trước, Melbourne là thành phố thường xuyên được đứng đầu bảng đánh giá là nơi đáng sống nhất, do Economist Intelligence Unit (EIU) thực hiện. Melbourne chiếm hạng đầu 7 năm trước năm 2018, tụt xuống hạng nhì năm 2018 và 2019, và năm 2020 và 2021 thì xuống dốc, đứng hạng 9 năm 2021.

Cuối tháng 10 vừa qua đánh dấu hơn 260 ngày thành phố Melbourne bị phong tỏa. Là một trong những thành phố bị phong tỏa lâu dài nhất Thế giới. Bắt đầu từ ngày 16 tháng 3 năm 2020, thành phố này có lệnh khẩn cấp được ban hành, và đến cuối tháng 3 thì cả thành phố bị phong tỏa hoàn toàn. Từ đó đến nay, vì nhiều nguyên do khác nhau, thành phố này đã đi qua thêm 5 lần phong toả nữa, có lần kéo dài khoảng 4 tháng. Trong những lúc bị phong tỏa hoàn toàn, nghĩa là lệnh giới nghiêm được ban hành, thì người dân không được đi ra đường từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng, trừ khi có những trường hợp đặc biệt. Hầu như mọi hoạt động con người đều bị ảnh hưởng ít hay nhiều, chỉ khác nhau ở mức độ hay nồng độ. Các hoạt động như đám cưới, đám tang, thể thao, văn hóa, câu cá hay tắm biển v.v… đều bị giới hạn. Ngay cả đi cắt tóc cũng không có chỗ mở.

Dù sao, ánh sáng đã đến với người dân Melbourne. Lệnh phong tỏa đã được gỡ bỏ vào cuối tháng 10, và từ nay chắc sẽ không còn phong tỏa nào nữa.

Hôm nay là thứ Ba tuần đầu của tháng 11, người dân Melbourne/VIC được nghỉ vì đây là một ngày lễ đua ngựa có tên Melbourne Cup, trên bình diện quốc tế, với truyền thống lâu đời từ năm 1861. Hôm qua, 1 tháng 11, Úc đã bắt đầu mở cửa lại sau gần 600 ngày đóng cửa biên giới. Người dân Tân Tây Lan, rồi Singapore, và một số quốc tịch khác sẽ được vào Úc mà không phải bị cách ly nếu đã chích ngừa đầy đủ và trước khi bay khám nghiệm âm. Sydney/NSW và Melbourne/VIC sẽ mở cửa cho các du khách nước ngoài, nhưng các tiểu bang khác thì chính sách vẫn chưa rõ ràng.

Tất cả những điều này có thể xảy ra được vì tỷ lệ người dân Úc đã hoàn toàn chích ngừa sắp sửa đạt được 80%, mặc dầu đã bắt đầu tiêm chủng chậm hơn so với các nước khác. Riêng người dân Melbourne chấp nhận đi chích ngừa đã gia tăng đáng kể. Tính đến ngày 2 tháng 11, 91.8% người Melbourne/VIC từ 16 tuổi trở lên đã tiêm một liều, và 80.7% tiêm hai liều, một trong những tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trên thế giới. Sydney/NSW, có tỷ lệ tiêm chủng còn cao hơn Melbourne, với 93.6% một liều, 87.8% hai liều, số liệu ngày 2 tháng 11. Thủ đô Canberra/ACT cao nhất Úc, và có lẽ trên toàn thế giới, với 99.4% một liều, 92.7 hai liều. Dự tính đến gần cuối tháng 11 thì Melbourne/VIC sẽ đạt con số trên 80% đã tiêm chủng hoàn toàn cho người dân từ 12 tuổi trở lên. Đến lúc đó thì gần như mọi hoạt động trước thời Covid-19 sẽ trở lại bình thường, và hy vọng sẽ không còn giới hạn nào đáng kể.

Kinh nghiệm phong tỏa tại Melbourne cũng nói lên vài điều đáng suy ngẫm.

Một, khi cảm thấy bị đe dọa, hoặc/và rủi ro cao, người ta mới nỗ lực hơn. Tự do không tự nhiên đến, nên muốn có, mọi người phải phấn đấu hơn bình thường. Thật vậy, nếu Melbourne không bị phong tỏa kéo dài khiến người dân cảm thấy ngột ngạt quá lâu thì có thể họ vẫn không nỗ lực. Vẫn cứ tà tà thôi. Chưa chắc gì họ đã cố gắng đi chích ngừa ở tỷ lệ gia tăng đáng kể trong ba, bốn tháng qua. Nếu so với những thành phố hay tiểu bang khác thì tỷ lệ chích ngừa cũng gia tăng, nhưng Melbourne/VIC vẫn chiếm số lớn. Nói chung, dữ kiện cho thấy các thành phố, lãnh thổ và tiểu bang quản lý Covid-19 thật tốt trong suốt 2 năm qua như Adelaide/Nam Úc, Perth/Tây Úc, Hobart/TAS, Darwin/Northern Territory, Brisbane/QLD thì tỷ lệ chích ngừa thấp hơn các nơi có nhiều ca Covid-19 như Melbourne/VIC, Sydney/NSW, Canberra/ACT.

Hai, qua Covid-19, nó cũng nói lên được nhiều đặc tính con người nơi đây. Trong những lúc khó khăn, căng thẳng thì nó cũng mang ra những mặt rất tiêu cực và xấu xa, nhưng đồng thời cũng luôn xuất hiện lòng vị tha, sự thấu cảm và tinh thần tương trợ. Những cuộc biểu tình của thành phần chống vaccine, tin vào thuyết âm mưu, v.v… đụng độ mạnh với những người thi hành công vụ như cảnh sát xảy ra nhiều tuần. Nhưng trong suốt thời gian này, người dân Melbourne chịu đựng và kiên trì, và tìm cách nâng đỡ nhau, dù ai nấy đều chịu nhiều thiệt thòi và căng thẳng.

Ba, chích ngừa, giống như đa số mọi thứ khác trong cuộc đời, sẽ tạo ra hiện tượng/hệ quả đa số và thiểu số. Gần 80% người dân Melbourne, hay nói chung toàn Úc, đã được chích ngừa hoàn toàn. Nhưng cũng còn một tỷ lệ nhỏ, vì không tin vào vaccine, như đã hiện hữu trước thời Covid-19, hay vì lý do nào đó, với một số trường hợp y tế đặc biệt, chẳng hạn, sẽ không chịu chích. Chính quyền Victoria nói riêng, và nhiều nơi trên Nước Úc, và các nước khác, dự trù sẽ giới hạn các quyền tự do, của những người không chịu chích ngừa. Từ việc đi làm, đến sinh hoạt giải trí như vào rạp chiếu phim, nhà hàng, tiệm sách, sân vận động v.v… Họ chỉ được thăm viếng bạn bè và mua sắm những đồ thiết yếu, nhưng nếu không chích ngừa và trưng bày bản ghi nhận đã chích ngừa thì mọi hoạt động của họ sẽ bị giới hạn. Chính sách này được cân nhắc dựa trên rủi ro có thể gây ra do thành phần chưa chịu chích ngừa, hay chỉ chích một liều. Đây là điều đáng tiếc, vì không ai muốn những người khác sống chung trong cộng đồng, trong xã hội của chúng ta, lại bị phân biệt đối xử, nhất là bị tước đi các quyền căn bản nhất. Nhưng hy vọng đến một lúc nào đó, rủi ro này không còn đáng kể, nếu tỷ lệ chích ngừa đủ để tạo ra miễn nhiễm cộng đồng. Trong lúc này, những người không chịu chích ngừa sẽ bị thiệt thòi bởi chính quyết định của họ vì chính quyền Victoria muốn giảm thiểu rủi ro cho người chung quanh.

Một trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 là giáo dục. Hai năm qua, với hơn 260 ngày bị phong tỏa tại Melbourne, thời gian được đến trường học, và được gặp thầy cô và bạn bè, thật ra không bao nhiêu cả. Trong số này, có lẽ các em học lớp 11, 12 trong hai năm qua đã chịu áp lực và thiệt thòi nhiều nhất. Thời điểm quan trọng và đẹp nhất lại bị nhiều gián đoạn nhất trong quảng đời đi học. Các trẻ em mầm non cũng thật tội nghiệp.

Nhưng điều này thì không chỉ riêng Melbourne. Khắp nơi trên thế giới, mọi sinh viên học sinh, trẻ em mầm non, cũng như tất cả những ai ghi danh học thêm trong hai năm này, đều có cùng cảnh ngộ. Phần lớn học trực tuyến thay vì học tại lớp. Về mặt học thuật thì không rõ ảnh hưởng khác nhau thế nào. Nhưng về mặt tinh thần và phát triển xã hội, nhất là trí tuệ cảm xúc, thì hầu như ai cũng chịu ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch Covid-19. Chúng ta biết rằng trẻ em ngày nay dùng điện tử, máy móc quá nhiều, hơn hẳn thời lượng khuyến nghị bởi các cơ quan thẩm quyền. Trong khi đó các hoạt động thể lực thì ít hơn hẳn. Đại dịch Covid-19 làm gia tăng xu hướng như thế. Các em ngồi trước máy điện toán, TiVi, điện thoại v.v… nhiều hơn trước nữa, trong khi cha mẹ, trong suốt đại dịch, cũng không tránh khỏi tình trạng này. Dùng thời gian cho màn hình (screen time) quá nhiều như thế sẽ tác hại lên sức khỏe của mọi người, từ thể xác đến tinh thần.

Nhưng giáo dục mọi nơi không bị Covid-19 ảnh hưởng như nhau.

Những nơi có mạng Internet đầy đủ thì không rõ các em học hành ra sao, trong khi những nơi khác thiếu hẳn phương tiện thì có vẻ rất trân quý nó.

Vào tháng 7 năm nay, Associated Press/AP (nhiều cơ quan truyền thông quốc tế Al Jazeera, New York Post, ABC News v.v… đăng lại) đã tường trình về một vài làng quê tại Sri Lanka, như làng Bohitiwaya tại Meegahakiwula, hay làng Lunugala, nơi thiếu hẳn hạ tầng cơ sở, đặc biệt nối mạng Internet. Các em không được đến trường, nhưng cũng không thể học ở nhà. Họ phải đi thật xa, vào rừng và leo núi, thì mới bắt được sóng để tải bài về học. Có nơi các em phải vào rừng, nơi thỉnh thoảng xuất hiện báo và voi, hơn 3 cây số, rồi trèo lên núi 2 lần một ngày, để tải bài xuống. Thầy cô cũng phải làm như thế để chuyển bài lên. Nhưng không phải em nào cũng có máy vi tính. Có khi 4 hoặc 5 em phải chia nhau sử dụng. Được biết gần 40% của tổng số 4.3 triệu sinh viên/học sinh tại Sri Lanka tham gia vào lớp học trực tuyến, nhưng phần lớn không có máy hoặc không nối mạng được.

Nhìn thấy hình ảnh cha mẹ, có người rất nghèo, làm nông, nhưng mỗi ngày đều cố gắng dẫn con đi học khó khăn như thế để con em mình được an toàn học hành, làm cho ai đọc bản tin này chắc cũng cảm động. Không rõ các em có cảm thấy mệt nhọc không. Nhưng nhìn thấy hình ảnh các em vào rừng, leo núi, và ngồi trên các tảng đá, trên những nhánh cây, để học mỗi ngày, thì vừa thấy mến phục vừa thấy thú vị. Tôi tưởng tượng nếu hồi nhỏ được có cơ hội học như thế thì quả là một kinh nghiệm nhớ đời. Các đồng nghiệp của tôi khi đọc bản tin này cũng nghĩ rằng họ, hay con em họ, nếu lâu lâu có được trải nghiệm với thiên nhiên như thế, thì thật là tuyệt vời.

Nói thế, nhưng khi chúng ta đặt mình vào địa vị cha mẹ, hay chính các em, tại Sri Lanka, trong bối cảnh khốn khó mọi bề, thì sẽ cảm nhận ra sao!

Tương tự, chắc cũng không mấy ai cảm nhận được hết những gì các em học sinh lớp 11, 12, và cha mẹ của các em, tại thành phố Melbourne, và trên toàn cầu, đã trải qua trong giai đoạn này như thế nào, ngay cả khi chúng ta sống cùng nơi với họ.

Theo Báo Úc

Back to list